Thấy Hay Thì Like

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Thiếu Lâm Ngũ Hình Quyền ( Phần 3 - Xà Hình Quyền )



Xà Hình Quyền

Do thiếu chân để xoay sở mau lẹ và tính chất mềm mại âm hiểm hơn là hung bạo, mạnh mẽ mà con rắn có vẻ giống với con vật không giống nó trong Thiếu Lâm Ngũ Hình Quyền.



Chủ đích của Xà Hình Quyền là phát triển và tăng bồi Khí lực, tức là một tinh thể cho phép tập trung và thấu chuyển uy lực vào các đòn đánh.

Do thiếu tay, chân, loài rắn phải cử động bằng cách vặn bẻ ngoằn ngoèo toàn thân. Để tạo hiệu năng chiến đấu, loài rắn phải san lấp nhược điểm thiếu chân của mình bằng một số điều, chẳng hạn như : có thể cuộn mình và vươn thẳng đứng, như giống rắn hổ thường làm. Từ thế cuốn khúc này, với sự chính xác và một tốc độ khủng khiếp, nó phóng thẳng về phía con mồi. Chính từ ngay sự xung kích và cử động bẻ vặn thân mình, rắn đã đạt tới một uy lực và sức mạnh cực lớn.



Một điểm lợi khác có thể còn quan trọng hơn cả kỹ thuật chiến đấu độc đáo của loài rắn nằm ở việc phát triển và truyền phóng khí lực trong từng đòn đánh. Bởi lẽ luôn trầm tĩnh, thư giãn, rắn tích tụ nhiều khí hơn những con vật khác. Do đó, khi phối hợp nội năng vào kỹ thuật ngoại kích, rắn đã trở thành một đối thủ mạnh mẽ và đáng sợ. Xà Hình Quyền khác với bốn loại hình kia nhờ những cử động lưu loạt thư giãn, phóng ra một uy lực gồm cả hai tính chất Cương và Nhu. Các loại hình quyền kia thường dùng một sức mạnh căng bạo để hạ đối thủ, trong khi Xà Hình Quyền không có đòn đấm, chỉ tấn kích qua ức bàn tay và đầu ngón tay. Đối với Hổ Hình Quyền chẳng hạn, Xà Hình Quyền trái ngược hẳn. Sức mạnh của Hổ Hình Quyền dứt khoát thuộc về Ngoại lực. Hổ Hình Quyền náo hoạt tới mức độ gây ầm ĩ trong từng đòn đánh để đạt tới sức mạnh siêu tuyệt. Năng lực của rắn mang tính trầm lặng và thuộc về nội tại. Cho nên, rắn hoàn toàn lặng lẽ khi sắp xếp một đòn xuyên phá uyển chuyển.

Vì vậy, toàn bộ kỹ thuật của rắn mang một trình độ võ thuật hoàn hảo trong đó, thủ và công được thực hiện nhất loạt. Không có sự khác biệt giữa thủ và công, vì thủ lập tức biến thành công và ngược lại. Đối vớ Xà Hình Quyền, các kỹ thuật cuốn khác và uốn vòng của rắn thường mang tính phòng thủ lúc đầu rồi vụt chuyển thành trực kích, cốt yếu ở sự mềm mại hơn là tốc độ tấn công.


Xà Hình Quyền gồm nhiều lối đánh bằng đầu ngón tay, trong đó có một đòn tạo thành hình lưỡi rắn bằng cách chĩa ngón trỏ và ngón giữa về phía trước trong khi bẻ gập các ngón khác lại. Đòn này thường nhắm vào các điểm nhược của cơ thể như mắt chẳng hạn.

Một cách đánh ngón tay khác gọi là Thanh Xà Xuất Động xếp các ngón tay lại như đầu một con rắn hổ đang cuốn khúc vươn lên. Theo đúng cách tấn công mồi của rắn hổ, đòn ngón tay này phóng ra từ một cùi chỏ uốn cong xuống đạt tới cực điểm mạnh khi vươn cánh tay về phía trước. Đòn này còn được dùng như thế thượng tỏa (thủ phần trên cao) có thể biến nhanh chóng thành một thế tấn công sát tử nhắm vào cuống họng hoặc mắt.

Một cách đánh ngón tay khác nữa gọi là Thủy Xà Thượng Diện là một cú móc ngược ngón tay nhắm một điểm thuộc họng hoặc nách.

Ngoài các kỹ thuật chiến đấu căn bản, mọi loại hình quyền đều không bỏ quên thái độ và tinh thần của các con vật được mô phỏng. Thói quen chiến đấu của loài vật luôn dựa trên bản năng nên việc đưa được bản năng đó vào trong võ công là điều quan trọng. Do đó, giữ cho thân mình sinh động và linh hoạt là điều tất yếu khi thực hiện Xà Hình Quyền. Trù hoạch sự tiếp giao đúng lúc cho nguồn sức mạnh nhu nhuyễn, lưu hoàn nơi các cánh tay với nguồn ngoại lực cương mãnh nơi các bàn tay là cần thíết vì Xà Hình Quyền nhiều khi vẫn cần tới cương lực.

Đóng góp quan trọng nhất của Xà Hình Quyền là sự phát triển Khí lực, thành quả gặt hái từ sự thư giãn và sự tập trung. Khi luyện Xà Hình Quyền võ sinh phải tập cho được hai điều là Tĩnh và Nhu, cố mô phỏng cái thân hình dài có thể phát lực qua từng cử động. Để dễ thư giãn, toàn bộ kỹ thuật Xà Hình Quyền cần được thực hành một cách khoan thai và với sự tập trung. Theo cách tập này, mỗi phần của cơ thể đều chịu tác động và đều được nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi hay thư giãn giúp cho thân thể mềm mại, bền dẻo trong khi tập trung đưa tới sự bình thản sáng suốt là những điều cần thiết cho bất kể nhân vật võ lâm nào.

Do kỹ thuật Xà Hình Quyền, người luyện Ngũ Hình Quyền biết được cách chuyển Khí lực qua cánh tay để phóng ra đầu ngón tay. Khi không có va chạm thì có vẻ như tất cả đều vô lực. Tuy nhiên, khi va chạm xảy ra, sức mạnh lập tức phát sinh. Nhưng, Xà Hình Quyền không có kỹ thuật tập để phát triển và tăng cường ngoại lực các ngón tay. Điều nay sẽ được đạt tới qua các bài tập đặc biệt liên hệ tới Long, Hổ và Hạc Hình Quyền.




Điều quan trọng với người thực hành Xà Hình Quyền là phải giữ được bình thản và trầm lặng để triển khai giác quan và cảm nhận ngay cách thế của đối thủ. Va cham thực sự bằng cánh tay luyện Xà Hình Quyền có hiệu quả tương tự như bàn tay trực đả của Vịnh Xuân hoặc bàn tay xô tới của Thái Cực Quyền. Khi chưa va chạm thì tất cả đều như vô lực không có nghĩa là các đòn đánh của rắn chỉ đơn thuần là các va chạm yếu ớt, nhẹ nhàng của một chiếc nanh độc ma quái. Mặc dù có vẻ mềm mại, mọi động tác của người sử dụng Xà Hình Quyền đều mau lẹ và mạnh mẽ. Khi va chạm, sức mạnh của khí lực nội tại sẽ tạo nên một uy lực có thể lớn gấp quá 7 lần sức mạnh bình thường của con người.

Thể hiện tinh thần đặc biệt của loài rắn, người luyện Ngũ Hình Quyền phải Tĩnh đủ để quán triệt bản thân mình và cảm thấy hoàn toàn bình lặng, bất kể mọi quấy rầy của ngoại cảnh. Trong điều kiện đó, khí lực sẽ thông lưu từ sóng lưng qua cánh tay tới tận đầu các ngón tay. Để đúng như rắn, trước khi công hay thủ, mọi động tác đều cần khoan thai (tương tự khi tập Thái Cực Quyền) và thận trọng. Trong ứng dụng thực tế, nhiều đòn đánh đều nhắm các yếu huyệt nhạy cảm của đối thủ. Những yếu huyệt này là những vùng cốt tử của cơ thể chỉ cần bị kích thích sẽ gây ra đau đớn dữ dội, ngất xỉu, thậm chí vong mạng nữa.

Sau khi thẩm thấu kỹ thuật Thiếu Lâm Xà Hình Quyền, người ta có thể chiến đấu với một tốc độ chớp nhoáng và một sự tập trung thông suốt.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét