Thấy Hay Thì Like

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

NỘI CÔNG- NGOẠI CÔNG LÀ GÌ ?



Võ sư Trần Tiến
(trích “Sổ tay VÕ THUẬT” số 36/1995).

Võ công thường chia ra Nội, Ngoại, Khinh, Ngạnh công và có phân biệt vô hình và hữu hình. Vô hình là Nội công để luyện tinh, khí, thần. Hữu hình là Ngoại công để luyện gân, xương, da. Nhưng làm thế nào để các môn đều đạt tới đỉnh cao? Nếu không tích năm, lũy tháng, khổ luyện công phu thì không thể nào tới đích được.

Ngạn ngữ võ công có câu: “Lực không đánh được quyền, quyền không đánh được công”, tức là tinh về lực không bằng tinh về quyền, tinh về quyền không bằng tinh về công.



Vì sao lực không đánh được quyền? Một người hàng ngày mang nặng đi xa, bốc vác hàng trăm ký coi nhẹ như không, cái mà quyền gia không thể nào bì kịp. Nhưng nếu cùng quyền gia giao thủ, thì dù có sức lực trăm ngàn cân mà cơ thể không linh hoạt. Tất cả mọi linh diệu về tay, mắt, mình, eo đều mờ tịt, cho nên mỗi lần nhấc tay, cất chân, đều bị quyền gia lợi dụng đánh ngã tức thời.

Tại sao qưyền không đánh được công? Người tinh về quyền thuật dù có thân thủ khỏe mạnh, nhanh, eo, bộ linh hoạt, đấu đánh với người tầm thường dễ dành chiến thắng. Nhưng nếu giao đấu với những người có Nội công, Ngạnh công thì chẳng khác gì con phù du rung cây.

Kìa là người gân đồng, xương sắt, khí đủ, thần sung nếu bị họ đánh trúng sẽ bị bại hoại. Hãy xem loài hổ, báo với khỉ, vượn. Khỉ vượn là giống rất tinh nhanh và tài đu nhảy, rốt lại vẫn bị hổ, báo ăn thịt. Đấy cũng là minh chứng quyền không đánh được công.

Người tập quyền thì đầy rẫy, đâu đâu cũng có, còn người luyện công thì rất hiếm. Đấy không lấy gì làm lạ, tập quyền thì dễ mà luyện công thì khó, mà cũng do người dạy quyền thì nhiều mà dạy công thì ít.

Xưa nay, những bậc võ sĩ giỏi, không phải họ được phú bẩm có chỗ hơn người, mà đều là do có công phu rèn luyện, trải qua muôn ngàn gian khổ mới đạt được công lực. Các vị tiền bối võ công xưa nói: “Ta khéo léo bồi dưỡng cái khí hạo nhiên – cái khí chí đại chí cương, đầy rẫy trong khoảng trời đất”.
 
Về ngoại công, có những bộ môn chính như: Mai hoa trang, Thiết sa chưởng, Thất tinh năng, Kim chung tạo, Thiết bố sam, Kim tiền tiêu, Đạn hoàn cung, v.v.. Nhưng những công phu này cần phải ra sức cố gắng luyện tập chuyên cần, trì khí vững bền, chứ không phải một sớm một chiều mà thành công được.

Trước hết, cần luyện quyền cho tứ chi linh hoạt, sau luyện công cho gân xương dẻo, cứng. Cho nên, trong võ có câu: “Quyền là bì mao của công, công là cốt cán của quyền”.

Quyền và công cùng làm nhân quả lẫn nhau mà thành công, không thể nặng, nhẹ một bên nào được.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét